20 năm xây dựng và phát triển Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng (nay là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu)
Cách đây tròn 20 năm, ngày 16/4/2003 UBND tỉnh Lai Châu đã ký Quyết định số 102/2003/QĐ-UBND thành lập Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng (nay là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu). Ban quản lý thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng do Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 187/2001/QĐ-TTg ngày 07/12/2001 (bao gồm 3 xã Ma Li Pho, Mường So thuộc huyện Phong Thổ và xã Huổi Luông thuộc huyện Sìn Hồ. Đến nay, khu KTCK Ma Lù Thàng bao gồm 3 xã và 01 thị trấn gồm: xã Ma Li Pho, Huổi Luông, Mường So và thị trấn Phong Thổ của huyện Phong Thổ (do điều chỉnh, chia tách đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Quốc) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 266,69 km2. Việc thành lập Ban quản lý khu KTCK Ma Lù Thàng thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Lai Châu đối với sự phát triển khu KTCK Ma Lù Thàng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, đánh dấu mốc son lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lai Châu. Các giai đoạn hình thành, kiện toàn và phát triển của Ban quản lý khu kinh tế được tóm tắt như sau:
Ngày 16/4/2003 UBND tỉnh Lai Châu thành lập Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng tại Quyết định 102/2003/QĐ-UB, Ban là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Lai Châu. Cơ cấu tổ chức của Ban gồm 5 biến chế chuyên trách (01 Phó Trưởng ban chuyên trách và 04 công chức (2 công chức tổng hợp, 1 kế toán, 1 thủ quỹ kiêm văn thư, tạp vụ). Trưởng ban quản lý do Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ kiêm nhiệm; các đơn vị thành viên gồm: Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng; Trưởng Công an huyện Phong Thổ; Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Ma Lù Thàng; Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ; Chủ tịch UBND xã Ma Ly Pho; Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Phong Thổ; Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phong Thổ; Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phong Thổ; trụ sở làm việc lúc đó đặt tại huyện lỵ Phong Thổ.
Thực hiện thông báo số 195/TB-TTg ngày 01/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ, Ngày 16/11/2005, UBND tỉnh Lai Châu thành lập lại Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng tại Quyết định số 92/2005/QĐ-UBND; cơ cấu tổ chức bộ máy gồm: Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban; các bộ phận chuyên môn giúp việc: Bộ phận Tổng hợp; Quản lý đầu tư; Hành chính - Tài vụ và Tổ dịch vụ khu KTCK Ma Lù Thàng; các đơn vị thành viên kiêm nhiệm gồm: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Ma Lù Thàng; Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh; Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh; Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Phương tiện - Người lái, sở Giao thông vận tải; Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Phong Thổ; Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Phong Thổ; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phong Thổ. Với tổng số biên chế được giao không quá 20 biên chế.
Ngày 30/7/2008, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định số 1043/QĐ-UBND về thành lập các phòng chuyên môn thuộc Ban gồm: 02 phòng chuyên môn (Phòng Hành chính - Tổng hợp; Quản lý đầu tư) 01 đơn vị sự nghiệp (Đội Quản lý khai thác cửa khẩu).
Ngày 16/3/2021 tại Quyết định số 261/QĐ-UBND sau khi thực hiện sáp nhập các Phòng chuyên môn thuộc Ban. Lúc này Ban quản lý chỉ còn 01 phòng chuyên môn và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban với tổng số biên chế được giao là 21 biên chế (11 biên chế công chức, 10 biên chế sự nghiệp).
Thực hiện Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế, theo đó Ban quản lý khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đã thành lập đề án thành lập Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lai Châu, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính Phủ quyết định. Được sự quan tâm của Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ và các bộ, ngành Trung ương, ngày 06/10/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1182/QĐ-TTg về việc thành lập Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng;
Ngày 30/12/2022 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Lai Châu, bộ máy và tổ chức của Ban gồm: Lãnh đạo Ban: Trưởng ban và 03 Phó Trưởng ban; 4 đơn vị trực thuộc gồm: Văn phòng Ban; Phòng nghiệp vụ; Văn phòng đại diện Ban quản lý tại cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng - Kim Thủy Hà và đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Dịch vụ Khu Kinh tế. Đến nay, Ban đã hoàn thành việc kiện toàn bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các phòng, trung tâm với tổng số biên chế được giao năm 2023 là 39 biên chế (tăng 15 biên chế so với năm 2022).
Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, hiện nay Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, Ban quản lý đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý Khu KTCK tỉnh Lai Châu theo đúng quy định, với chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu kinh tế (bao gồm khu kinh tế cửa khẩu), khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ; quản lý, điều hành các cửa khẩu biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu theo quy định của pháp luật. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, trong mỗi giai đoạn với mỗi tên gọi khác nhau, dù tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, bề dày thành tích chưa nhiều, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp tốt của các sở, ngành và chính quyền địa phương các huyện biên giới cùng sự đoàn kết thống nhất và ý chí quyết tâm vượt khó phấn đấu vươn lên tập thể lãnh đạo, cán bộ của Ban quản lý qua các thời kỳ, trong 20 năm xây dựng và phát triển, Ban đã đạt được những kết quả nhất định, quản lý Nhà nước đối với khu kinh tế cửa khẩu đảm bảo hiệu quả, cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu từng bước được hoàn thiện, tăng cường thu hút đầu tư; quản lý, điều hành hoạt động cửa khẩu đảm bảo đúng quy định, tăng cường cải cách hành chính, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng cao, góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, thể hiện ở một số mặt sau:
- Về công tác quy hoạch xây dựng, ngay từ khi thành lập, Ban đã tập trung vào tham mưu, lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu đầu mối cửa khẩu Ma Lù Thàng, đến nay khu đầu mối đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt với tổng diện tích quy hoạch là 74,577ha.
+ Khu đầu mối thuộc Khu kinh tế cửa khẩu được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 43 ha tại Quyết định số 87/2004/QĐUB, ngày 16/12/2004 và các Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Diện tích đất đã thực hiện xây dựng hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng, giao lại đất, cho thuê đất là 28,26 ha, diện tích còn lại là 6,24 ha (bao gồm: Đất doanh nghiệp, TM-DV 2,1 ha; Đất dân cư, 2,88 ha; Đất công trình hạ tầng kỹ thuật (chợ, bãi xe) 0,36 ha; Đất giao thông cây xanh 0,977 ha).
+ Khu mở rộng khu đầu mối thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng có diện tích 30,01ha được UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 1315/QĐ-UBND ngày 15/10/2019, hiện đang được đầu tư xây dựng hệ thống kè sông Nậm Na, chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
+ Khu vực Pô Tô xã huổi Luông được UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 624/QĐ-UBND ngày 27/5/2011, có diện tích 10 ha trong đó đã thực hiện giải phóng mặt bằng 0,43ha để xây dựng công trình hạ tầng Khu vực Pô Tô.
Để tiếp tục có cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư trong Khu kinh tế theo các quy định của pháp luật, hiện Ban quản lý Khu kinh tế đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu đến năm 2045.
- Công tác quản lý đất đai, đến nay diện tích đất được UBND tỉnh giao cho quản lý theo quy hoạch với tổng diện tích là 74,51 ha, gồm: Khu đầu mối cửa khẩu với diện tích 34,5ha; khu đầu mối mở rộng có diện tích 30,01ha; khu vực Pô Tô xã Huổi Luông, có diện tích 10ha, trong đó đã thực hiện giải phóng mặt bằng 0,43ha để xây dựng công trình hạ tầng khu vực Pô Tô, còn 9,57ha chưa giải phóng mặt bằng. Trong thời gian qua, Ban quản lý đã giao lại đất cho: 07 tổ chức cơ quan Nhà nước thực hiện 13 dự án diện tích 2,69ha; cho 25 doanh nghiệp thuê đất để thực hiện 32 dự án, diện tích 8,3ha và giao lại cho 24 hộ dân, diện tích 0,41 ha.
- Về đầu tư kết cấu hạ tầng: Trong 20 năm qua, tỉnh Lai Châu đã huy động, lồng nghép nhiều nguồn vốn đầu tư hạ tầng trong khu kinh tế cửa khẩu cũng như hạ tầng ngoại vi kết nối tỉnh Lai Châu với khu kinh tế cửa khẩu như: hoàn thành nâng cấp hệ thống đường Quốc lộ 4D, QL12, QL100... và hiện nay đang đầu tư tuyến đường nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai – Lai Châu và dự án cầu Hầm Đường bộ nối Sapa và Tam Đường Lai Châu, các dự án lớn kết nối tỉnh Lai Châu với các tỉnh lân cận tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông giữa khu kinh tế với các khu động lực phát triển của tỉnh Lai Châu và các tỉnh khác. Các Doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn đã tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải điện, hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cho doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 16/3/2007 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2007-2015 và Nghị quyết số Nghị quyết số 67/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tỉnh Lai Châu đã tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng như: Mặt bằng, hệ thống kè sông suối, đường giao thông, trụ sở làm việc của lực lượng chức năng, trạm kiểm soát liên hợp, kho, bãi tập kết, địa điểm kiểm tra, giám sát, sang tải hàng hóa, trang thiết bị phục vụ quản lý các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; trung tâm thương mại... với tổng vốn đầu tư khoảng 434 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn NSTW 399 tỷ đồng, NSĐP 35 tỷ đồng.
- Xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư: Đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh khu kinh tế cửa khẩu, giới thiệu chính sách thu hút đầu tư của khu kinh tế, các hoạt động xúc tiến thương mại, đón tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng. Đến nay, đã thu hút được 43 nhà đầu tư (1 nhà đầu tư nước ngoài đến nay đã thu hồi dự án) vào khu kinh tế cửa khẩu với 49 dự án (UBND tỉnh cấp phép 17 dự án, Ban cấp phép 32 dự án) với các lĩnh vực: Ngân hàng, bưu điện, viễn thông, sơ chế nông, lâm sản xuất khẩu, kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn, kho ngoại quan, bãi tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa; các dự án sản xuất công nghiệp như nhà máy gạch không nung, nhà máy chế biến mắc ca, các dự án thủy điện với tổng công xuất 132MWW với điện lượng 473 triệu kwh; với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 6.000 tỷ đồng.
- Hoạt động Xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thu ngân sách nhà nước:
+ Hoạt động Xuất nhập khẩu: Hoạt động xuất nhập khẩu phát triển khá, có triển vọng phát triển, hàng năm thu hút trên 100 doanh nghiệp có hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn tỉnh Lai Châu; hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu là hàng hóa nông sản, thủy sản của tỉnh Lai Châu và các tỉnh; hàng nhập khẩu chủ yếu là thiết bị thủy điện, đá canxi, hàng tiêu dùng, hoa quả tươi. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất hàng hóa từ năm 2005-2022 đạt khoảng 2,345 tỷ USD, bình quân đạt gần 131 triệu USD/năm, năm cao nhất 2017 đạt 510,39 triệu USD. Bao gồm:
(+) Xuất khẩu đạt: 295,3 triệu USD, bình quân giai đoạn đạt 16,4 triệu USD (trong đó xuất khẩu hàng địa phương đạt 76,7 triệu USD chiếm 25,9% tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu).
(+) Nhập khẩu đạt: 212,1 triệu USD, bình quân giai đoạn đạt 11,8 triệu USD/năm.
(+) Tạm nhập, tái xuất hàng hóa đạt 1,837 tỷ USD, bình quân đạt 102,1 triệu USD/năm.
Trong đó: Giai đoạn 2011-2015 tổng giá trị xuất, nhập khẩu các loại hình đạt 501,5 triệu USD, tăng 363,1% so với giai đoạn 2006-2010. Giai đoạn 2016-2020 với giá trị xuất, nhập khẩu các loại hình đạt 1,585 tỷ USD, bình quân đạt 317,1 triệu USD/năm, tăng 1.364% so với giai đoạn 2006-2010 và tăng 216,2% so với giai đoạn 2010-2015.
+ Hoạt động xuất nhập cảnh giai đoạn 2005 - 2022 tăng dần qua các năm, số lượt người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Ma Lù Thàng đạt trên 1,462 triệu lượt người; số phương tiện xuất nhập cảnh đạt gần 64.585 lượt.
+ Thu ngân sách: Thu ngân sách từ hoạt động XNK và phí hạ tầng trong giai đoạn từ 2005 - 2022 đạt 582,5 tỷ đồng, bình quân giai đoạn đạt 32,36 tỷ đồng, năm cao nhất 2018 đạt 83,2 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2015 thu ngân sách tăng 212% so với giai đoạn 2006-2010, vượt 98,2% kế hoạch; giai đoạn 2016-2020 tăng 181% so với giai đoạn 2011 – 2015, vượt 21% kế hoạch.
- Công tác quản lý và điều hành hoạt động cửa khẩu, Ban quản lý đã tăng cường công tác quản lý, điều hành cửa khẩu theo quy chế, nội quy cửa khẩu, điều phối các lực lượng chức năng theo quy chế, các lực lượng chức năng đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phối hợp đảm bảo bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; Ban quản lý đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu thực hiện tốt công tác điều tiết, quản lý phương tiện, hàng hóa, giải quyết kịp thời tình trạng ách tắc phương tiện, hàng hóa; tăng cường phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại; phối hợp quán triệt, tuyên truyền, triển khai và thực hiện kiểm tra các quy định về phòng chống dịch bệnh trong khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng. Kịp thời nắm bắt các vụ việc phát sinh tại cửa khẩu, báo cáo cấp trên và đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý các hoạt động tại cửa khẩu.
Trước ảnh hưởng của tỉnh hình dịch bệnh Covid-19 phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu đối với tất cả các loại hàng hóa từ phía Việt Nam qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng/Việt Nam – Kim Thủy Hà/Trung Quốc, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng đã phối hợp cùng các Sở, ngành, UBND huyện Phong Thổ và các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu đã thông qua nhiều hình thức trao đổi với các cơ quan quản lý cửa khẩu Kim Thủy Hà/Trung Quốc để khôi phục các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, lực lượng chức năng tại cửa khẩu và phía Trung Quốc thống nhất xây dựng Quy trình, phương án vừa phòng chống, dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo duy trì hoạt động xuất nhập khẩu. Phối hợp tốt với cơ quan quản lý cửa khẩu Kim Thủy Hà/Trung Quốc điều phối các hoạt động thông quan hàng hóa theo cơ chế đã được hai bên thống nhất, không để sảy ra các trường hợp công nhân, lái xe, mẫu hàng hóa nhiễm bệnh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.Hiện nay cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng/Kim Thủy Hà đã lên cửa khẩu quốc tế, ngày 7/5/2020 Chính phủ có Nghị quyết số 63/NQ-CP nâng cấp cặp cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng/Kim Thủy Hà lên cửa khẩu Quốc tế và Quốc vụ viện Trung Quốc đã có chủ trương đồng ý cửa khẩu Kim Thủy Hà lên cửa khẩu quốc tế, hai bên đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, sớm công bố lên cặp cửa khẩu quốc tế.
- Công tác đối ngoại và đảm bảo an ninh trật tự được quan tâm thực hiện, xây dựng Khu KTCK gắn với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tình hình an ninh chính trị ổn định, không có “điểm nóng” về an ninh trật tự trong Khu kinh tế cửa khẩu.
Từ khi được thành lập, Ban quản lý đã chủ động phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với cơ quan quản lý cửa khẩu Kim Thủy Hà/Trung Quốc. Đến nay Ban quản lý đã chủ trì cùng các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các cơ quan có liên quan tổ chức trên 20 cuộc gặp gỡ, giao ban, hội đàm trực tiếp với các cơ quan quản lý cửa khẩu Kim Thủy Hà và Chính quyền nhân dân huyện Kim Bình/Trung Quốc để thống nhất các nội dung hợp tác trong công tác quản lý cửa khẩu, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh; giao lưu thể thao, chúc tết, thăm quan, tìm hiểu về đầu tư, văn hóa, du lịch của hai bên. Ngoài ra thông qua các hình thức liên lạc linh hoạt như công hàm, điện đàm để cùng nhau phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc trong hoạt động tại cửa khẩu, nhất là trong thời gian gần đây khi dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu hai bên đã tích cực phối hợp cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh, từng bước khôi phục và duy trì hoạt động xuất nhập khẩu.
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương; sự đồng thuận, ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp; Khu kinh tế cửa khẩu đã từng bước phát triển, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư trong những năm qua đã làm thay đổi diện mạo của cửa khẩu; công tác cải cách hành chính luôn được các lực lượng tại cửa khẩu quan tâm đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, môi trường hấp dẫn thu hút doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập; công tác quản lý cửa khẩu, thương mại biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả; chủ động nắm bắt những vấn đề phát sinh khu vực cửa khẩu biên giới, kịp thời và có những giải pháp hiệu quả, linh hoạt, tạo thuận lợi thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn; các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thu ngân sách trên địa bàn có chiều hướng phát triển tích cực qua các năm. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất hàng hóa từ năm 2005-2022 đạt khoảng 2,345 tỷ USD, bình quân đạt gần 131 triệu USD/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt 581 tỷ đồng, bình quân giai đoạn đạt 32,226 tỷ đồng. Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu từ năm 2015 đến nay đạt 165 tỷ đồng; công tác đối ngoại được thực hiện tích cực, hiệu quả, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là dân cư khu vực biên giới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong khu vực KTCK ngày được nâng cao, GRDP bình quân đầu người các xã trong khu kinh tế năm 2020 đạt trung bình 45,3 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân toàn tỉnh, cao gần gấp 2 lần mức bình quân toàn huyện Phong Thổ.
Nhiệm vụ của Ban quản lý trong thời gian tới còn rất nặng nề nhưng với sự quan tâm của Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND-UBND, sự hợp tác chặt chẽ của các sở, ngành và địa phương, sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp và sự nỗ lực của công chức, viên chức và người lao động của Ban, nhất định Ban quản lý khu kinh tế sẽ phát huy được truyền thống tốt đẹp và thành tích đã đạt được trong 20 năm qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Lai Châu.