• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách về xuất nhập khẩu

Khu Kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được Chính phủ Việt Nam thành lập, cho phép áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới năm 2001. Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng ngày nay bao gồm các xã: Ma Li Pho, Huổi Luông, Mường So và thị trấn Phong Thổ thuộc huyện Phong Thổ (Việt Nam) với tổng diện tích 266km2, dân số khoảng 22.631 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60%. Cửa khẩu Ma Lù Thàng là một trong 09 cặp cửa khẩu được Chính phủ hai nước Việt Nam – Trung Quốc thỏa thuận trong Hiệp định về quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ký ngày 18/11/2009, tạo cơ hội thúc đẩy giao thương giữa hai quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt cửa khẩu Ma Lù Thàng trong Quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt nâng cấp lên cửa khẩu Quốc tế vào ngày 07/5/2020

Trong thời gian vừa qua Chính phủ Việt Nam đã tập trung Quy hoạch, đầu tư hạ tầng trong khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng như các trụ sở làm việc của các cơ quan quản lý cửa khẩu, hệ thống kho, bãi, địa điểm kiểm tra giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu; hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu như: Hoàn thành nâng cấp hệ thống đường Quốc lộ 4D, QL12, QL100...  và hiện nay đang đầu tư tuyến đường nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai – Lai Châu và dự án cầu Hầm Đường bộ nối Sapa và Tam Đường Lai Châu, các dự án lớn kết nối tỉnh Lai Châu với các tỉnh lân cận tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông giữa cửa khẩu với các khu động lực phát triển của tỉnh Lai Châu và các tỉnh khác. Tăng cường đầu tư hệ thống truyền tải điện, hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cho doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn

Hiện nay tỉnh Lai Châu đang xây dựng Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với tăng cường quan hệ ngoại giao, hữu nghị cùng phát triển với Trung Quốc, hình hành đô thị cửa khẩu Ma Lù Thàng vào năm 2025. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông dọc tuyến biên giới Việt - Trung nhằm thuận lợi hoá cho việc trao đổi mua bán hàng hoá và giao lưu văn hoá của nhân dân hai bên

Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng đã thu hút được 43 nhà đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu với 49 dự án với các lĩnh vực: Ngân hàng, bưu điện, viễn thông, sơ chế nông, lâm sản xuất khẩu, kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn, kho ngoại quan, bãi tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa; các dự án sản xuất công nghiệp như nhà máy gạch không nung, nhà máy chế biến mắc ca, các dự án thủy điện với tổng công xuất 132MWW với điện lượng 473 triệu kwh; với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 6.000 tỷ VN đồng

Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng có nhiều lợi thế phát triển về sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, thương mại, với nhiều sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, chế biến phục vụ cho xuất khẩu như: Lúa chất lượng cao, chè, mắc ca, mía, thảo quả, cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới, cây dược liệu, rau củ quả, hoa... Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều không ngừng tăng cao, kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 tăng hơn 3,0 lần so với giai đoạn 2011-2015; lưu lượng người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu hai bên giai đoạn 2016-2020 đạt trên 950.000 lượt người, số lượng phương tiện qua lại là hơn 40.000 lượt

* Chính sách nhập cảnh, cư trú của công dân nước ngoài

Người nước ngoài nhập cảnh vào khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được tạm trú tối đa 15 ngày và phải được đăng ký tạm trú tại cửa khẩu. Nếu có nhu cầu đi ra khu vực khác của Việt Nam phải được doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam bảo lãnh làm thủ tục với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an xét cấp thị thực hoặc giấy tham quan.

* Chính sách đối với phương tiện nước ngoài chở hàng hóa vào khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng

Phương tiện xuất nhập cảnh qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng – Kim Thủy Hà được cấp phép quy định tại Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 11/10/2011.

Phương tiện của nước có chung biên giới vào khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới của Việt Nam để giao nhận hàng hóa sau đó quay về nước ngay trong ngày và phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại khu vực biên giới trong ngày không phải kê khai tờ khai hải quan và nộp hồ sơ phương tiện nhưng phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu.

* Chính sách về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu

Chính sách thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên: Được thực hiện theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – TRUNG QUỐC.
          Miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh: Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu (trừ giấy thông hành dùng cho việc xuất cảnh, nhập cảnh), do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, có hành lý mang theo người, hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi được miễn thuế nhập khẩu cho từng lần nhập cảnh theo định mức như sau:
          - Rượu từ 20 độ trở lên: 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ: 2,0 lít hoặc đồ uống có cồn, bia: 3,0 lít. Đối với rượu, nếu người nhập cảnh mang nguyên chai, bình, lọ, can (sau đây viết tắt là chai) có dung tích lớn hơn dung tích quy định nhưng không vượt quá 01 lít thì được miễn thuế cả chai. Trường hợp vượt quá 01 lít thì phần vượt định mức phải nộp thuế theo quy định của pháp luật;
          - Thuốc lá điếu: 200 điếu hoặc thuốc lá sợi: 250 gam hoặc xì gà: 20 điếu; Đồ dùng cá nhân với số lượng, chủng loại phù hợp với mục đích chuyến đi;
          - Các vật phẩm khác ngoài hàng hóa quy định tại các điểm a, b, và c khoản này (không nằm trong Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện) có tổng trị giá hải quan không quá 10.000.000 đồng Việt Nam;

Trường hợp vượt định mức phải nộp thuế, người nhập cảnh được chọn vật phẩm để miễn thuế trong trường hợp hành lý mang theo gồm nhiều vật phẩm.
          - M
iễn thuế hàng hóa trao đổi cư dân biên giới 2.000.000 đồng/ngày

* Chính sách về quy hoạch, phát triển hạ tâng thương mại biên giới, phát triển hạ tầng logitstic.

Năm 2021, Chỉnh phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2030, trên cơ sở đó tỉnh Lai Châu đã xây dựng Kế hoạch triển khai phát triển hạ tầng thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu Ma Lù Thàng; khuyến khích, thu hút đầu tư chợ cửa khẩu, trung tâm thương mại, bến bãi tập kết phương tiện và hàng hóa, kho ngoại quan, kho đông lạnh, cửa hàng miễn thuế, cửa hàng giới thiệu sản phẩm,… đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.

Ngày 17/6/2023, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng với mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng thành một khu kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, có tầm quốc tế, là một cực tăng trưởng quan trọng – trung tâm phát triển kinh tế của vành đại kinh tế, động lực phát triển của vùng Tây Bắc – Việt Nam. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 35.000 người, đến năm 2050 khoảng 55.000 người. Đất các khu vực cửa khẩu từ 1.500 -2.500 ha; đất xây dựng các khu vực phát triển đô thị khoảng 1.500-2.500 ha; đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp 500-1.000ha; đất các khu dịch vụ, du lịch 2.000-3000ha; đất phát triển dân cư nông thông khoảng 1.500-2.000 ha.

* Một số nội dung tỉnh Lai Châu đang triển khai kiến hợp tác với phía tỉnh Vân Nam để phát triển hạ tầng thương mại biên giới như:

- Thực hiện các thủ tục công bố cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) thành cặp cửa khẩu quốc tế sau khi phía Trung Quốc phê duyệt; thống nhất vị trí xây dựng cầu đa năng và lộ trình đầu tư các hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác, phát triển thông thương hàng hóa trong giai đoạn tới.

- Triển khai các ước khảo sát, hội đàm thống nhất tiến tới mở cặp cửa khẩu song phương U Ma Tu Khoòng (Việt Nam) - Bình Hà (Trung Quốc) khi có đủ điều kiện theo Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc

- Tăng cường trao đổi hợp tác thương mại, du lịch với tỉnh Vân Nam trong đó chú trọng đến các nội dung:

+ Trao đổi, thông tin về thị trường, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, những thay đổi chính sách về thương mại, ngoại thương, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu của mỗi nước.

+ Hợp tác tổ chức Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và trung tâm huyện Kim Bình, Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nhằm quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của mỗi bên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai Bên hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, phát triển sản xuất.

+ Khảo sát, hội đàm lựa chọn các lối mở biên giới có tiềm năng phát triển thành khu (điểm) chợ biên giới theo Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

+ Phát triển các tour, tuyến du lịch giữa tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

* Chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng

Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư.

Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, bao gồm:

- Máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị.

- Phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất của dự án.

- Vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.

Việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại khoản này được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.

Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 05 năm, bao gồm:

Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Thuế suất ưu đãi, miễn thuế, giảm thuế

- Áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng còn được áp dụng rất nhiều các chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư, du lịch của Chính phủ Việt Nam khi các doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinhh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 22
Hôm qua : 48
Tháng 05 : 784
Năm 2025 : 5.312
Tổng số : 54.812.822